Mùng 10 tháng 3 âm lịch là ngày lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, đây là một trong những ngày lễ trọng đại nhất của dân tộc ta. Ngày này là thời điểm để con dân Đại Việt tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến các vị vua Hùng có công dựng xây nên đất nước chúng ta.
Ngày lễ diễn ra tại khu di tích lịch sử Đền Hùng ở tỉnh Phú Thọ. Lễ hội có nhiều hoạt động văn hóa, hội thi sôi nổi và ý nghĩa. Ngay bây giờ, cùng Nature Essential Oil tìm hiểu tường tận về ngày lễ quan trọng này nhé.
1. Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương là gì?
Lễ Đền Hùng là một trong những Quốc Lễ quan trọng của Việt Nam
Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương còn có các tên gọi khác như Quốc Giỗ, Lễ Đền Hùng chính là ngày chúng ta tưởng nhớ công lao dựng nước của 18 đời vua Hùng. Các vị vua Hùng chính là các bậc tiền nhân vĩ đại đã đặt nền móng cho sự phát triển và ổn định của đất nước ngày hôm nay.
Nghi lễ truyền thống được tổ chức vào mùng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm tại Đền Hùng ở thành phố Việt Trì tỉnh Phú Thọ. Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương cũng được UNESCO công nhận là “Tín ngưỡng thờ cúng vua Hùng” là “kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại” vào ngày 6 tháng 12 năm 2012.
2. Lịch sử hình thành ngày Giỗ Tổ Hùng Vương
Lịch sử hình thành của ngày Quốc Giỗ cũng là thước đo cho với sự phát triển của đất nước
- Năm 1917, triều vua Khải Định chính thức ấn định ngày 10 tháng 3 âm lịch là ngày Quốc giỗ, tức ngày Giỗ Tổ Hùng Vương. Vào ngày đó, triều đình Huế yêu cầu các quan viên phải mặc phẩm phục để đến đền vua Hùng cúng tế và bày tỏ lòng biết ơn.
- Trong lễ Giỗ Tổ năm Bính Tuất ngày 11 tháng 4 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh xem ngày 10 tháng 3 âm lịch là một trong những ngày lễ chính thức của quốc gia, các công chức được nghỉ lễ có hưởng lương.
- Cùng ngày 11 tháng 4 năm 1946, Huỳnh Thúc Kháng thay mặt Chính phủ lên làm lễ dâng hương tại Đền Hùng, đã dâng tấm bản đồ Tổ quốc Việt Nam và thanh gươm quý. Ông làm vậy nhằm tế cáo với Tổ tiên về đất nước đang bị Pháp xâm lăng và cầu mong Tổ tiên phù hộ cho quốc thái dân an và bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.
- Đến năm 2007, Quốc Hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã phê chuẩn sửa đổi, bổ sung Điều 73 của Luật Lao động cho người lao động được nghỉ lễ có hưởng lương ngày Giỗ Tổ Hùng Vương.
3. Giá trị ngày Giỗ Tổ Hùng Vương
Giỗ Tổ Hùng Vương ca ngợi truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của chúng ta
Thể hiện lòng biết ơn
Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương thể hiện truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” nhắc nhở mọi người tôn kính và luôn nhớ đến nguồn gốc tổ tiên. Mỗi nén hương dâng lên, mỗi lời cầu nguyện đều thể hiện sự tưởng nhớ và lòng tự hào dân tộc về những giá trị tốt đẹp mà các thế hệ cha ông vun đắp.
Thể hiện tinh thần đoàn kết
Người dân Việt Nam từ mọi miền cùng nhau hướng về đất nước vào ngày Quốc Giỗ. Tiếng trống vang vọng khơi dậy niềm tự hào dân tộc và kêu gọi sự chung tay góp sức xây dựng đất nước giàu mạnh, văn minh. Lễ hội là nơi để phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp góp phần xây dựng nên cộng đồng đoàn kết, gắn bó.
Thể hiện giá trị văn hóa
Lễ hội Đền Hùng là nơi lưu giữ và truyền tải những giá trị văn hóa truyền thống quý báu của dân tộc. Các nghi lễ truyền thống, trang phục… giúp thế hệ trẻ hiểu thêm về lịch sử, văn hóa của cha ông ta. Lễ hội còn củng cố lòng yêu nước, tự tôn dân tộc, nâng cao trách nhiệm bảo vệ và phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống.
4. Các hoạt động văn hóa trong ngày giỗ Tổ Hùng Vương
Lễ rước kiệu vua Hùng
Lễ rước kiệu Hùng Vương trang trọng thể hiện sự tôn kính đến các bậc cha ông
Những cái tuyệt nhất mà bạn có thể thấy ở lễ rước kiệu chính là những lá cờ màu sắc, một chiếc kiệu đậm tính truyền thống và những bộ trang phục trang nghiêm. Đoàn rước kiệu vua xuất phát từ dưới chân núi rồi lần lượt qua các đền để tới Đền Thượng.
Dẫn đầu là đội múa sư tử, tiếp sau đó là đoàn rước quốc kỳ, cờ hội, sau nữa là đoàn người đánh chiên, trống, rước tàn lọng và cuối cùng là đội kiệu của vua Hùng. Buổi lễ rước kiệu không chỉ là một nghi lễ tâm linh mà còn là dịp để cộng đồng ngắm nhìn và tưởng nhớ đến những thăng trầm lịch sử chúng ta đã vượt qua để có được một xã hội ngày nay.
Lễ dâng hương bái tế
Buổi cúng tế dâng lên cho các 18 đời vua Hùng các đặc sản của dân tộc ta
Lễ kỷ niệm và dâng hương được xem như là “linh hồn” của ngày Giỗ Tổ Hùng Vương. Dâng hương cúng tế nhằm thể hiện lòng thành kính và biết ơn của con dân đối với các vị vua Hùng đã có công dựng nước và giữ nước. Phần đại lễ được diễn ra tại Đền Thượng cũng là nơi thờ cúng các vị vua Hùng.
Nghi thức tế lễ gồm 128 chiếc bánh dày, 18 chiếc bánh chưng để dâng lên 18 vị Vua Hùng, nước, hương hoa, trầu cau, ngũ quả và rượu. Khi dâng lễ, bánh dày sẽ có hình tròn không có nhân tượng trưng cho trời còn bánh chưng có hình vuông nhân mặn tượng trương cho đất.
Các hoạt động văn hóa khác
Các hoạt động vui chơi được người tham dự hưởng ứng nhiệt tình
Bên cạnh các nghi thức truyền thống, lễ Đền Hùng cũng tổ chức cho người tham gia các hoạt động như thi gói bánh chưng, thi hát xoan (tức hát ghẹo), thi vật, thi kéo co, hay thi bơi trải ở ngã ba sông Bạch Hạc…
Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương không chỉ là một lễ hội văn hóa đơn thuần mà còn là dấu ấn lịch sử trong suốt hành trình hình thành và phát triển của chúng ta. Hãy cùng Nature Essential Oil chung tay góp sức để gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc vào ngày Quốc Lễ – Giỗ Tổ Hùng Vương sắp tới bạn nhé.
giỗ tổ hùng vương, ý nghĩa ngày giỗ tổ hùng vương, quốc lễ, lễ đền hùng, mùng 10 tháng 3 âm lịch, lịch sử hình thành ngày giỗ tổ hùng vương, ngày giỗ tổ hùng vương là ngày gì, giá trị của ngày giỗ tổ hùng vương, các hoạt động trong ngày giỗ tổ hùng vương, Tiệm Nature, Nature Essential Oil.